Phái Tiêu Dao

Phái Tiêu Dao (giản thể: 逍遙, phồn thể: 逍遥, bính âm: Xiao Yao, âm Hán-Việt khác là Tiêu Diêu) là một trong những môn phái trong tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ của nhà văn Kim Dung. Tiêu Dao hay Tiêu Diêu lấy từ thành ngữ Tiêu dao tự tại hay Tiêu diêu tự tại (逍遥自在), có nghĩa là tự do tự tại, thong thả đây đó. Cái tên Tiêu Dao vừa mang quan điểm nhàn nhã vô vi của triết học Trang Tử, vừa bao hàm tư tưởng giải thoát của Phật giáo.[1] Trên thực tế, các thành viên của phái Tiêu Dao thường yêu thích cuộc sống phiêu du, không ràng buộc, không gò bó, bay bổng như những lãng khách. Do sự phân tán của các đệ tử, phái Tiêu Dao không có tổng đà ở một vị trí địa lý cụ thể nào. Một số môn tuyệt học của phái, trong đó có Bắc Minh Thần Công và Lăng Ba Vi Bộ, được cất giấu trong Vô Lượng Ngọc Bích - một hang động gần núi Vô Lượng thuộc vùng tây nam Trung Quốc, tiếp giáp biên giới của nước Đại Lý vào khoảng thế kỉ thứ XII, ngày nay thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.[2]Người sáng lập phái Tiêu Dao là Tiêu Dao Tử, sau truyền tới Vô Nhai Tử và tiếp đến là Hư Trúc Tử. Môn phái này không xuất hiện thêm nữa trong các tiểu thuyết khác của Kim Dung. Bảo vật trấn phái của chưởng môn Tiêu Dao là một chiếc nhẫn bằng bảo thạch.